Admin
21/02/2017
Trung Quốc nói đang bị 'khiêu khích'
Các báo và hãng tin lớn của Trung Quốc đồng loạt chỉ trích nhiều quốc gia có liên quan trong tranh chấp chủ quyền trên biển, nói rằng các nước đang "liên kết" và "khiêu khích" Trung Quốc.
> Những tiếng nói 'diều hâu'
> Các bước đi của Trung Quốc đối với 'Tam Sa'
> Trung Quốc bác bỏ nguy cơ chiến tranh
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Xinhua. |
Cùng với các động thái về quân sự, chính trị, kinh tế rầm rộ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, truyền thông Trung Quốc cũng đồng hành cùng giới chức khi liên tục đăng tải những bài viết chỉ trích các nước phản đối hoạt động của mình trên biển.Thời báo Hoàn Cầu, Xinhua, China News, Sina lần lượt có bài công kích từng nước phản đối mình.
Hãng thông tấn Xinhua tuần trước đăng bài "Tình hình Biển Đông không liên quan đến Mỹ", phản đối việc Mỹ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông khi Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa". Báo này cho rằng các vấn đề của Trung Quốc với các nước láng giềng là việc của hai bên, không liên quan đến bên thứ ba và Trung Quốc phản đối tham vọng can dự vào Biển Đông của Mỹ.
Với Nhật, China News dẫn lời chuyên gia quốc phòng Trung Quốc chỉ trích việc ban hành Sách Trắng quốc phòng của Nhật là bôi đen hình ảnh Trung Quốc, gây kích động là ràm rối ren tình hình ở Đông Á, chẳng khác nào ra sách tuyên chiến với Bắc Kinh.
Xinhua có bài chỉ trích Nhật khiêu khích ở đảo Điếu Ngư là "không có đạo đức, không pháp luật và không sáng suốt". Bài báo viết nếu Nhật Bản cho rằng Nhật sử dụng vũ lực thì Trung Quốc sẽ lui, điều này là không tưởng, kể cả Nhật Bản là đồng minh với Mỹ. Vì vậy, việc khiêu khích trong thời điểm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là "không đạo đức, khẳng định chủ quyền với Điếu Ngư là không có pháp luật và muốn chống lại Trung Quốc là không sáng suốt".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu lên tiếng đòi chính phủ Trung Quốc dùng áp lực chính trị mạnh mẽ đối với Ấn Độ vì tiếp tục ký hợp đồng hợp tác dầu khí với Việt Nam, thậm chí đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu hai nước tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Sau nhiều bài chỉ trích Philippines kích động tại bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham, trang Sina tự tuyên bố Trung Quốc đã nắm quyền khống chế, tình thế đã được định hình tại bãi cạn và rêu rao "hết hạn cấm đánh cá, tàu Trung Quốc đến Hoàng Nham trong sự bất lực của Philippines".
Hôm qua, các báo và hãng thông tấn của Trung Quốc nhắm đến Việt Nam. Bài xã luận trên nhất bản điện tử Nhân Dân nhật báo cho rằng, các hoạt động hợp tác ngoại giao thông thường của Việt Nam là "liên kết với các nước lớn", "lôi kéo các nước láng giềng".
Xã luận nói trên dẫn lại các hoạt động ngoại giao và hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật .., trong đó có hợp tác quốc phòng.
"Ngoài liên kết với Nga, Mỹ, Việt Nam còn tiếp tục kéo dài hợp đồng khai thác dầu khí với Ấn Độ. Ở Đông Á, Việt Nam trao quyền xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân và dự án phóng vệ tinh quan sát trái đất năm 2017 cho công ty của Nhật Bản", xã luận của Nhân dân Nhật báo viết. Trong ASEAN, Việt Nam phối hợp với Philippines trong vấn đề Biển Đông, đều phản đối việc Trung Quốc lập "thành phố Tam Sa".
Sau khi điểm lại các mối quan hệ ngoại giao đang được thế giới đánh giá là thành công của Việt Nam, báo Trung Quốc nhấn mạnh nước này và Nga luôn có mối quan hệ tốt, bất kể trong vấn đề kinh tế thương mại hay vấn đề Syria. "Nga đến Đông Nam Á chỉ để cạnh tranh với Mỹ", xã luận có đoạn. Tác giả cũng tìm cách khoét sâu những điểm còn chưa thống nhất giữa Việt Nam với một số nước khác.
Chiến hạm lớn nhất của Philippines mới mua từ Mỹ, đã tham gia vụ chạm mặt với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, những tiếng nói diều hâu và đầy tính chỉ trích trên cũng không át hết được các tiếng nói hòa bình từ bên trong Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Tề Kiến Quốc, cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nói: “Trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông), có người nói 'phải đánh', tôi cho rằng khả năng đó rất nhỏ. Đó là vì hai nước Trung - Việt đều muốn khu vực này hòa bình, ổn định, đều chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán. Cho đến nay, lập trường của Trung Quốc chưa thay đổi”.
Ông tin rằng, vấn đề Biển Đông dù lập trường hai bên còn khác nhau, “nhưng chỉ cần nhất trí về mục tiêu đàm phán, tức là đàm phán hoà bình, cuối cùng sẽ tìm được biện pháp giải quyết cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được”.
Tờ Thế giới Tin tức của Trung Quốc hôm 29/7 đăng bài báo "Ảo tưởng chiến tranh sai trái" so sánh những lời lẽ hiếu chiến về Biển Đông giống như châu Âu trước Thế chiến thứ nhất và kịch liệt phê phán những phần tử diều hâu ở Trung Quốc chủ trương dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp trên biển
Những hành động liên tục của Trung Quốc, mà theo nghị sĩ Mỹ John McCain là "sự khiêu khích không cần thiết", đang khiến tình hình Biển Đông căng thẳng. International Crisis Group, tổ chức quốc tế uy tín có sứ mệnh ngăn chặn xung đột trên thế giới, mới đây công bố báo cáo nhận xét rằng căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang và không loại trừ nguy cơ va chạm.
0 nhận xét