21/02/2017
Sự việc xảy ra vào cuối tuần trước tại một nhà hàng ở thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), khi đầu bếp có tên Peng Fan đang chuẩn bị món ăn đặc biệt được làm từ thịt rắn hổ mang Đông Dương.
Sau khi chặt đầu con rắn để chế biến món ăn, trong khi mang chiếc đầu này để mang vào thùng rác, Peng Fan đã vô tình bị cắn bởi chiếc đầu, khiến người đầu bếp này tử vong không lâu sau đó. Được biết con rắn đã bị chặt đầu từ trước đó 20 phút.
Rắn vẫn có khả năng cắn và tiêm nọc độc sau khi đã bị chặt đầu (Ảnh minh họa)
Lin Sun, một nhân chứng có mặt tại nhà hàng cho biết ông và người vợ tên Su của mình đã nghe tiếng hét lớn của người đầu bếp khi anh này bị cắn.
“Chúng tôi đã ở nhà hàng để ăn tối cho bữa tiệc sinh nhật của vợ, thì bất ngờ nghe nhiều tiếng xôn xao ở xung quanh. Chúng tôi không biết có chuyện gì xảy ra, nhưng có thể nghe thấy tiếng hét lớn từ trong bếp”, Lin Sun cho biết. “Bác sĩ đã được gọi đến tuy nhiên có vẻ nạn nhân đã tử vong từ trước đó. Sau khi nghe vụ việc, chúng tôi đã không thể tiếp tục bữa ăn của mình”.
Cảnh sát cho biết Peng đã tử vong trước khi được tiêm chất kháng độc tại bệnh viện. Các nạn nhân bị rắn hổ mang Đông Dương cắn thường tử vong nhanh chóng do ngạt thở vì chất độc thần kinh của loài rắn này làm tê liệt hệ hô hấp của họ.
“Đây là một trường hợp rất hiếm gặp và có vẻ như đây chỉ là một tai nạn. Nạn nhân đã có một phản ứng rất nặng với vết cắn”, phát ngôn viên của cảnh sát cho biết. “Không gì có thể cứu được nạn nhân trong trường hợp này. Chỉ có huyết thanh kháng độc có thể cứu được anh ta, nhưng chúng tôi không có đủ thời gian”.
Yang Hong Chang, một chuyên gia về rắn, người đã dành 40 năm để nghiên cứu về rắn hổ mang, cho biết tất cả các loài bò sát vẫn có thể hoạt động được hơn 1 giờ sau khi đã mất một phần bộ phận hoặc thậm chí toàn bộ cơ thể và chỉ còn lại phần đầu.
“Rất có thể phần đầu của con rắn vẫn còn sống và đã cắn vào tay Peng”, Yang nhận định. “Khi con rắn bị mất đầu, vê cơ bản các chức năng của cơ thể đã chấm dứt, nhưng vẫn còn một số hành động phản xạ theo tự nhiên”.
“Điều này đồng nghĩa với việc con rắn có thể cắn và tiêm nọc độc ngay cả khi đã bị chặt đầu”, ông Yang cho biết thêm.
Rắn hổ mang Đông Dương được phân bố nhiều tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar. Hiện số lượng loài rắn này đã bị giảm sút nghiêm trọng vì đánh bắt. Thịt của loài rắn này được chế biến thành món ăn, trong khi phần da được sử dụng cho các sản phẩm thời trang đắt tiền.
0 nhận xét